128 lượt xem 11/04/2024 Chưa phân loại Tin Tức Tin Tức

VPP Hồng Hà không ngừng cải tiến nhờ áp dụng công cụ TPM

Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà (VPP Hồng Hà) là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các sản phẩm như giấy, vở, đồ dùng học tập, đồ dùng văn phòng. Mặc dù thương hiệu VPP Hồng Hà đã được khẳng định trong suốt 60 năm hình thành và phát triển nhưng để sản phẩm của Hồng Hà có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, đòi hỏi Công ty phải không ngừng nỗ lực thực hiện cải tiến.

VPP Hồng Hà không ngừng cải tiến nhờ áp dụng công cụ TPM
VPP Hồng Hà không ngừng cải tiến nhờ áp dụng TPM

Năm 2020, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định tham gia chương trình hỗ trợ áp dụng TPM (Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể). Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương.

Qua quá trình khảo sát, các chuyên gia tư vấn TPM nhận định việc quản lý, sử dụng thiết bị của VPP Hồng Hà còn nhiều bất cập như: Máy móc hay hỏng hóc trong quá trình sử dụng; Người vận hành chỉ biết sử dụng máy mà chưa quan tâm đến việc chăm sóc máy; Không duy trì chế độ bảo dưỡng máy định kỳ mà chờ khi máy hỏng mới sửa; Chưa có các hoạt động cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị; Năng lực của thợ vận hành chưa đồng đều dẫn đến khả năng phối hợp công việc chưa cao gây mất nhiều thời gian dừng máy khi cần thực hiện chuyển đổi sản phẩm hoặc khi cần xử lý sự cố.

Để giải quyết những tồn tại trên, tư vấn đã đề xuất với Ban lãnh đạo Công ty, trong thời gian đầu áp dụng TPM, VPP Hồng Hà nên tập trung vào 3 trụ cột của TPM là AM (Bảo trì tự quản) và PM (Bảo trì có kế hoạch), E&T (Giáo dục và Đào tạo). Phạm vi áp dụng thí điểm TPM của VPP Hồng Hà trong giai đoạn này là các máy in liên động và máy Z nằm trong khu vực xưởng Giấy – Vở.

Công ty đã thành lập Ban TPM gồm các thành viên đến từ Ban lãnh đạo Công ty, bộ phận kỹ thuật, bộ phận quản lý sản xuất, bộ phận vận hành và bộ phận cơ điện.

Các thành viên trong Ban TPM đã được đào tạo nhận thức chung về TPM, các bước thực hiện AM, PM, E&T, cách xác định hiệu suất thiết bị toàn phần, phân tích tổn thất thiết bị. Sau 3 tháng triển khai TPM, Công ty đã thu được một số kết quả như:

  • Người vận đã biết nhận diện các bất thường tại thiết bị, chủ động xử lý các bất thường trong khả năng và phạm vi cho phép;
  • Thiết bị được vệ sinh, kiểm tra và bôi trơn thường xuyên theo một tiêu chuẩn thống nhất;
  • Công ty đã xây dựng được lịch bảo trì thiết bị định kỳ, đặc biệt là làm rõ được tiêu chuẩn bảo trì. Đây là cơ sở để đảm bảo chất lượng bảo trì.
  • Công ty đã xác định được chỉ số OEE của các thiết bị thí điểm TPM, làm rõ được các tổn thất thiết bị đang gặp phải để có hướng cải tiến ưu tiên.
  • Công ty đã biết cách đánh giá được năng lực của người vận hành, từ đó đặt mục tiêu nâng cao năng lực của họ với kế hoạch cụ thể, hướng tới nâng cao OEE của thiết bị.

Ông Đào Trọng Trung, Quản đốc xưởng Giấy Vở cho biết, kể từ khi áp dụng TPM đến nay, nhận thức của người vận hành và cơ điện về cách thức thực hiện công việc cũng như trách nhiệm đối với thiết bị đã có những thanh đổi tích cực; các máy móc thiết bị đã được chăm sóc tốt hơn, hạn chế được sự cố dừng máy không mong muốn. Ông tin tưởng rằng hoạt động TPM khi được duy trì và mở rộng sẽ giúp VPP Hồng Hà nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *